Search
Close this search box.

ĐÂY LÀ PHÒNG KHÁM CỦA CHÚNG TÔI

Phòng khám Đa khoa Galant được thành lập và đưa vào hoạt động, ngoài sự kết hợp của doanh nghiệp và Trung tâm Nâng cao Chất lượng cuộc sóing, còn có sự đóng góp của các Tổ chức cộng đồng (CBO) với tư cách cổ đông.

Anh Hiếu, trưởng nhóm Nụ Cười cho biết thành viên các nhóm CBO vui vẻ góp vốn để trở thành cổ đông của phòng khám Galant và làm việc cho phòng khám. Công việc của các thành viên CBO là chuyển gửi khách hàng có nhu cầu đến xét nghiệm và điều trị tại phòng khám. Người đưa khách đến khám bệnh được hỗ trợ tiền xăng xe, điều này khiến các bạn đánh giá cao cách hợp tác của phòng khám. “Chúng tôi là những người làm việc cho cộng đồng, nay lại được giúp cộng đồng và có thu nhập ổn định, được chia lợi tức, chúng tôi phải làm cho thật tốt vì đây là phòng khám của chúng tôi.”

Trước đây, khi các CBO được thành lập, đã hướng đến mục tiêu tự lực duy trì hoạt động của mình bằng các nguồn thu nhập do chính nhóm làm ra. Nhưng mọi chuyện không dễ dàng với những người chịu áp lực vì thành kiến xã hội. Chị An My, trưởng nhóm Vượt Sóng kể mình từng bán yaourt cho hàng xóm để duy trì hoạt động nhóm, nhưng khi biết trong nhóm có người nhiễm HIV, họ không dám đến mua nữa. Nay làm việc cho phòng khám, dù chỉ là cộng tác viên, nhưng các anh chị đều hãnh diện. Các trưởng nhóm nhường cho thành viên góp vốn theo khả năng, phần còn lại họ mới góp vào, “mình góp ít cũng được, nên tạo cơ hội cho anh chị em.”

Các nhóm CBO đánh giá cao các chính sách đặc biệt của phòng khám Galant :” Hồi đó tới giờ có cơ sở y tế nào cho…trả góp đâu, vậy mà Galant cho trả góp, thí dụ điều trị viêm gan siêu vi C tốn đến mấy chục triệu, Galant cho trả góp 3.000.000 đồng mỗi tháng, vậy đủ khiến người bệnh yên tâm điều trị cho lành bệnh.” Trả góp để giúp mọi người có đủ điều kiện trị bệnh, là mục tiêu của phòng khám. Nhờ cách trả góp này, căn bệnh viêm gan siêu vi C của một bệnh nhân đã thuyên giảm, anh mừng rỡ nhắn tin cho mọi người: “Mới điều trị một tháng mà xét nghiệm lại không còn thấy con virut đâu nữa”!

Các trường hợp khó khăn hơn, không đủ tiền điều trị, thì phòng khám Galant có hình thức khuyến mãi miễn giảm chi phí như thanh toán 100% cho 100 khách hàng diều trị thanh toán thẻ bảo hiểm đầu tiên, đợt khám miễn phí cho người chuyển giới nữ. Về phía các CBO, gặp trường hợp quá khó khăn, các trưởng nhóm nhắn tin cho nhau, tự nguyện góp tiền giúp cho khách hàng làm xét nghiệm cần thiết, mua được vài kỳ thuốc để chữa bệnh sớm.

Các nhóm CBO cũng là cầu nối nhận ý kiến phản hồi từ các khách hàng mà mình đã chuyển gởi. Khách hàng hài lòng và cảm động khi được nhân viên chăm sóc gọi điện hỏi thăm và nhắc nhở ngày tái khám. “Các nhân viên ấy rất thận trọng khâu bảo mật, khi điện thoại thì hỏi rõ tên người nghe xem có đúng là khách hàng của phòng khám không, hỏi thêm chi tiết xác định như ngáy sinh để có thể nói chuyện với khách về tình hình sức khỏe và lịch khám của họ mà không sợ lộ thông tin”, chị An My cho biết.

Các anh chị từ nhóm CBO có xuất thân đa dạng, trình độ văn hóa không đồng đều, nên trau giồi kiến thức, thuật ngữ chuyên môn về HIV/AIDS không dễ dàng gì. Nào là xét nghiệm CD4, tải lượng virut, điều trị ARV, điều trị PreEP, điều trị PEP….chỉ có khát vọng mong muốn cộng đồng của mình được điều trị một cách tốt nhất, hiệu quả mới thúc đẩy các anh chị “tiêu hóa” mớ kiến thức chuyên môn, chế biến lại thành những lời lẽ, lý luận dễ hiểu cho cộng đồng và quan trọng hơn là biến kiến thức thành hành động cụ thể giúp khách hàng được trị bệnh trong thời hạn sớm nhất.

Để luôn cập nhật kiến thức, kỹ năng liên quan đến nhiều loại bệnh, nhất là HIV/AIDS, hàng tuần, các trưởng nhóm CBO họp tại phòng khám Galant. Tại đây, ngoài việc được thông báo định hướng mới của phòng khám, các nhóm CBO còn kịp thời phản ánh ts kiến của khách hàng về cách phục vụ của phòng khám, qua đó phòng khám ngày càng cải tiến lề lối làm việc để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Được hỏi về mong ước của các nhóm CBO liên quan đến dịch vụ điều trị ARV thanh toán bảo hiểm y tế trong thời gian tới, anh Hiếu và chị My đều quan tâm đến lứa tuổi dậy thì, vị thành niên đang nhiễm HIV/AIDS. Các em bị lây nhiễm HIV từ cha mẹ từ khi mới lọt lòng. Khi còn nhỏ, các em được điều trị trong nhóm nhi đồng, đã quen được cư xử nhẹ nhàng, tế nhị. Nay các em phải chuyển sang điều trị trong nhóm người lớn, thì khó tránh va chạm những vấn đề mà người nhiễm HIV trưởng thành đang vướng phải như sự kỳ thị phân biệt đối xử dù vô tình hay cố ý, khiến các em dễ bị “sốc” và phản ứng tiêu cực. Có em cho rằng tải lượng virut của mình đã ổn định nên không cần uống thuốc nữa! Đây là suy nghĩ tiêu cực dẫn tới hậu quả xấu cho các em. Chị My mong có nhóm sinh hoạt dành riêng cho lứa tuổi vị thành niên và chuyển các em về phòng khám Galant điều trị để các em được tư vấn, chăm sóc đầy đủ.

Có thể các nhóm đối tượng đặc biệt, chịu thiệt thòi dã xem phòng khám Galant là “phòng khám của chúng tôi” và nỗ lực xây dựng phòng khám đầy tình người, giúp chính cộng đồng của mình bảo vệ và nâng cao sức khoẻ.

 

Trân Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *