Search
Close this search box.

Sở Y tế TP.HCM đề xuất mở mã đào tạo ngành cấp cứu ngoại viện theo mô hình Paramedic với 3 cấp độ khác nhau.

Nhân viên cấp cứu ngoại viện sơ cứu cho nạn nhân bị tai nạn giao thông ở Q.1, TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

 Định hướng triển khai chương trình đào tạo các loại hình nhân viên y tế cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp vừa được Sở Y tế trình UBND TP.HCM phê duyệt. 

Theo Sở Y tế TP.HCM, Luật Khám chữa bệnh đã quy định chức danh chuyên môn cấp cứu viên ngoại viện cần phải có giấy phép hành nghề. Tuy vậy, đến thời điểm hiện nay loại hình nghề nghiệp này chưa được đào tạo chính quy (chưa có mã đào tạo), chưa được quy định về trách nhiệm, phạm vi chuyên môn cũng như mô tả công việc cụ thể cho lực lượng cấp cứu ngoài bệnh viện (ngoại viện). 

Điều này đang gây khó khăn rất lớn cho các trung tâm cấp cứu các tỉnh, thành trên cả nước khi phát triển nguồn nhân lực, bởi hầu hết các bác sĩ, điều dưỡng đều muốn được công tác tại các cơ sở khám chữa bệnh. 

Trong khi chờ Luật Khám chữa bệnh được cụ thể hóa, Sở Y tế TP.HCM khẳng định rất cần một lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phù hợp. Qua đó, đề xuất cần có một chương trình đào tạo nhân viên cấp cứu ngoại viện hệ chính quy, bằng việc nhanh chóng mở mã đào tạo ngành cấp cứu ngoại viện theo mô hình Paramedic với 3 cấp độ khác nhau. “Đây là một yêu cầu tất yếu” – lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nói.  

Cấp cứu ngoại viện trình độ cao đẳng (đào tạo 3 năm). Sau khi kết thúc chương trình, học viên có thể thực hiện thành thạo các thao tác cấp cứu ngoại viện cơ bản như hồi sinh tim phổi cơ bản, băng bó vết thương, vận chuyển người bệnh và có thể tư vấn sử dụng một số thuốc thiết yếu. 

Cấp cứu ngoại viện trình độ đại học (đào tạo 4 năm). Sau khi kết thúc chương trình, học viên có thể thực hiện thành thạo các thao tác cấp cứu từ cơ bản đến nâng cao trên người bệnh như hồi sinh tim phổi nâng cao, băng bó vết thương, đặt nội khí quản và có thể kê toa một số thuốc thiết yếu.

 Cấp cứu ngoại viện trình độ sau đại học (chuyên khoa, chuyên khoa sâu). Sau khi kết thúc chương trình học, học viên thực hiện thành thạo các kỹ thuật cấp cứu chuyên sâu trên người bệnh, sử dụng thành thạo các phương tiện hồi sức cấp cứu tại ngay hiện trường. 

Theo lộ trình Sở Y tế TP.HCM đề ra chia làm 3 giai đoạn. Từ năm 2023 – 2024 sẽ thực hiện thủ tục cấp mã đào tạo và mã nghề nghiệp. Từ năm 2025 – 2030 sẽ triển khai đào tạo cấp cứu ngoại viện trình độ cao đẳng, đại học. Từ năm 2030 về sau việc đào tạo các trình độ còn lại theo lộ trình.

 Học cấp cứu ngoại viện: 1.200 – 1.800 giờ

Tại các nước như Anh, Mỹ, Canada, Ireland, Úc… đều phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện theo hướng cấp cứu kịp thời người bệnh tại hiện trường và vận chuyển an toàn đến các bệnh viện điều trị. Trong đó, Úc là nước tiên phong đào tạo nguồn nhân lực từ Paramedic (đào tạo theo hướng chuyên nghiệp hóa).

Paramedic cần thời gian đào tạo từ 1.200 – 1.800 giờ. Các học viên sau khi hoàn thành chương trình đều có kỹ năng cấp cứu hiện trường gồm ngưng tim ngưng thở, cho bệnh nhân thở oxy; hỗ trợ điều trị các bệnh mạn tính như tiểu đường, hen phế quản, phản ứng dị ứng.

Ngoài những kỹ năng cấp cứu cơ bản trên, Paramedic còn được đào tạo thêm kiến thức sâu hơn về giải phẫu học, sinh lý học, dược, tim mạch. Đặc biệt là đào tạo các kỹ năng cấp cứu ở cấp độ cao hơn như chỉ định sử dụng thuốc cấp cứu, truyền dịch, hỗ trợ hô hấp, nhất là khả năng hồi sức những vấn đề khó hơn như chấn thương, đột quỵ và các bệnh lý tim mạch.

 

HOÀNG LỘC

Nguồn tin : Báo Tuổi trẻ, Sở y tế TP. Hồ Chí Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *