Quan hệ tình dục bằng miệng vẫn là cụm từ tương đối nhạy cảm khi được nhắc đến cũng như tìm hiểu. Chính vì vậy mà rất nhiều người chưa nhận thức hết được về những mặt lợi và hại của kiểu tình dục này.
1. Thế nào là quan hệ bằng miệng?
quan hệ bằng miệng (hay Oral Sex) là việc sử dụng miệng, lưỡi hoặc môi tác động lên bộ phận sinh dục, khu vực sinh dục hoặc hậu môn của bạn tình để tạo cảm giác kích thích.
Trong đời sống tình dục của người trưởng thành, kiểu quan hệ này có thể coi là một trải nghiệm thú vị nếu biết thực hiện cùng những biện pháp bảo vệ đúng cách.
2. Quan hệ bằng miệng giúp gia tăng sự thân mật giữa các cặp đôi
Nhà trị liệu tình dục Louane Cole Weston cho biết quan hệ bằng đường miệng có thể giúp gia tăng sự thân mật giữa các cặp đôi này, tuy nhiên đôi khi cũng gây căng thẳng và sự không thoải mái giữa các cặp đôi khác.
Lý giải cho việc nhiều người không thích quan hệ tình dục bằng miệng chủ yếu liên quan đến vấn đề vệ sinh. Họ lo ngại không biết kiểu quan hệ này có an toàn không, đồng thời cũng một phần do lo ngại về phản ứng của đối phương.
Ngược lại, với nhiều người, kiểu quan hệ này được ví như “một kết nối rất mật thiết” và “chất tăng cường mối quan hệ” bởi nó mang lại những cảm giác riêng tư và vô cùng mới mẻ.
3. Quan hệ bằng miệng có nguy cơ gây ung thư vòm họng
“Quan hệ bằng miệng có thể dẫn đến ung thư vòm họng” – Otis Brawley, Giám đốc Y khoa của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bất cứ ai Quan hệ tình dục bằng miệng đều có thể ung thư. Thực chất, nguyên nhân chính dẫn đến ung thư vòm họng là loại virus có tên papillomavirus (HPV). Việc quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ bằng miệng tạo điều kiện cho virus HPV lây từ người này sang người khác. Do đó, nếu bạn có quan hệ tình dục bằng miệng nhưng không tiếp xúc với virus HPV thì nguy cơ mắc ung thư vòm họng sẽ không xảy ra.
Theo một nghiên cứu do Tạp chí Y học New Zealand công bố năm 2007, người có quan hệ bằng miệng với ít nhất 6 bạn tình có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao hơn nhiều. Nhiễm trùng HPV ở cổ họng có thể bắt gặp ở cả nam và nữ, nhưng phổ biến và thường gặp hơn ở những đối tượng nam giới từ 40 – 50 tuổi có quan hệ tình dục khác giới.
Tuy nhiên, so với việc uống rượu và hút thuốc dẫn đến ung thư vòm họng thì ung thư vòm họng do virus gây ra vẫn dễ điều trị hơn. Hiện nay, để hạn chế nguy cơ mắc ung thư vòm họng khi quan hệ bằng miệng thì tiêm vắc xin HPV cũng là một trong những biện pháp nên được cân nhắc.
4. Quan hệ bằng miệng có nhiều rủi ro khi không sử dụng biện pháp bảo vệ
Khi quan hệ bằng đường miệng, hoàn toàn có thể mắc các bệnh lây truyền qua đường dục. Các bệnh lây truyền thường gặp nhất phải kể đến lậu, giang mai, herpes,… và một số bệnh với tần suất gặp ít hơn như mụn cóc sinh dục, chlamydia, HIV, viêm gan virus A, B, C,…
Những rủi ro có thể xảy ra khi quan hệ bằng miệng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính, hành vi quan hệ cụ thể, quan hệ với bao nhiêu bạn tình,… Do đó, kiểu quan hệ này chưa bao giờ được xem là an toàn tuyệt đối. Đặc biệt, nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm kể trên sẽ cao hơn nếu miệng có vết loét hoặc vết thương. Sau khi quan hệ bằng đường miệng, không nên đánh răng ngay mà nên vệ sinh trước với nước súc miệng.
Trong hầu hết các nghiên cứu và cuộc khảo sát, đa số mọi người khi quan hệ bằng đường miệng đều không sử dụng biện pháp bảo vệ. Điều này có thể xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hoặc sự coi thường, chủ quan về nguy cơ mắc bệnh.
5. Cách phòng tránh các bệnh lây nhiễm khi quan hệ bằng miệng
Để giảm thiểu tối đa những rủi ro có thể xảy ra khi quan hệ bằng đường miệng, cần lưu ý các biện pháp dưới đây:
– Sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ như bao cao su, tấm chắn miệng,…
– Không quan hệ với nhiều người, chung thủy với một bạn tình không mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
– Thăm khám sức khỏe định kỳ.
Đặc biệt, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên làm các xét nghiệm sàng lọc STD (sàng lọc nhiễm trùng lây qua đường tình dục) định kỳ hàng năm để có thể phát hiện và chữa trị kịp thời.
Sàng lọc STD bao gồm các loại xét nghiệm:
Herpes: xét nghiệm máu (nếu chưa xuất hiện triệu chứng) và kết hợp lấy mẫu xét nghiệm vùng bị tổn thương (khi đã có triệu chứng).
Chlamydia, lậu: xét nghiệm nước tiểu hoặc lấy mẫu bệnh phẩm tại vùng sinh dục.
Giang mai: lấy mẫu bệnh phẩm từ vết loét hoặc xét nghiệm máu.
HIV: Xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm mẫu niêm mạc miệng.
HPV: Xét nghiệm PAP HPV và kết hợp chẩn đoán hình ảnh dựa trên các triệu chứng.