1. Vì sao mắc sùi mào gà ở miệng?
Sùi mào gà là một trong số các bệnh xã hội thường gặp, lây truyền qua đường tình dục và do virus HPV gây ra. Một biểu hiện đặc trưng khi bị nhiễm bệnh là xuất hiện u nhú, nốt sần ở cơ quan sinh dục. Đối với một số ít trường hợp, những tổn thương này còn xuất hiện ở vùng miệng và lưỡi, được gọi là sùi mào gà ở miệng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lây nhiễm virus HPV qua đường miệng và gây ra bệnh, chẳng hạn như:
1.1. Quan hệ tình dục bằng miệng
Hoạt động tình dục bằng miệng ngày càng gia tăng được đánh giá là một mối nguy cơ lớn dẫn đến lây nhiễm bệnh sùi mào gà. Đối với những người có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục với nhiều người thì nguy cơ này sẽ gia tăng, khi đó nguy cơ nhiễm HPV qua đường miệng tăng lên đến 20%.
1.2. Hút thuốc
Thói quen hút thuốc lá chung là một trong số các nguyên nhân dẫn đến việc virus HPV lây truyền từ người bệnh sang người lành. Bên cạnh đó, khói thuốc lá cũng là một yếu tố tăng khả năng phát triển bệnh.
1.3. Hôn
Hôn cũng được xem là yếu tố nguy cơ, khiến virus HPV có thể truyền từ miệng người nhiễm bệnh sang miệng người lành nhưng tỷ lệ này là rất thấp.
1.4. Thói quen sử dụng chung vật dụng cá nhân
Thói quen dùng chung các đồ dùng vệ sinh cá nhân với người bị nhiễm virus HPV là một trong số các nguyên nhân làm cho bạn mắc bệnh khi virus lây truyền qua vết thương hở.
Khoảng thời gian ủ bệnh sùi mào gà ở miệng diễn ra khá dài, cũng tương tự với sùi mào gà ở cơ quan sinh dục là từ 2 đến 9 tháng. Ngoài ra, dấu hiệu của bệnh cũng khá giống với nhiệt miệng hay những bệnh lý về răng miệng khác nên thường hay xác định và chữa trị nhầm. Do đó, có nhiều người thắc mắc rằng có cần phải thực hiện xét nghiệm chẩn đoán xét nghiệm sùi mào gà ở miệng hay không?
2. Có cần xét nghiệm sùi mào gà ở miệng không và dấu hiệu của bệnh?
Xét nghiệm nước bọt hay mẫu bệnh phẩm là những nốt sần trong miệng đồng thời khai thác tiền sử lây nhiễm giúp xác định một người có mắc sùi mào gà hay không.
Các triệu chứng tiêu biểu để phát hiện sớm và chẩn đoán sùi mào gà ở miệng:
2.1. Triệu chứng sùi mào gà ở miệng giai đoạn sớm
Thời kỳ ủ bệnh sùi mào gà ở miệng kéo dài từ 2 đến 9 tháng, khi đó người nhiễm bệnh sẽ không gặp phải các biểu hiện bất thường nào nên đa số không phát hiện mình bị mắc bệnh. Khi bệnh khởi phát ở thời gian đầu, tại vùng lưỡi, họng của người nhiễm bệnh sẽ xuất hiện nhiều mảng trắng bất thường, gây ra cảm giác đau rát và khó chịu khi ăn uống hay khi nhai nuốt. Nhưng sau nhiều ngày, những nốt này không biến mất mà còn phát triển lớn dần lên và có hình dạng giống như mào con gà.
2.2. Triệu chứng sùi mào gà ở miệng giai đoạn toàn phát
Trong giai đoạn toàn phát, những nốt sùi mào gà lớn và nhiều trong miệng sẽ khiến người nhiễm bệnh có cảm giác ngứa ngáy khó chịu, gây nên khó khăn trong việc ăn uống và mất tự tin khi giao tiếp đồng thời gây nên tình trạng chán ăn, người nhiễm bệnh có thể sụt cân nhanh chóng do không ăn uống được.
Dấu hiệu để nhận biết sùi mào gà ở miệng đang trong giai đoạn nặng là những u nhú phát triển lớn dần, lưỡi bị sưng và tê nặng, hơn nữa trong khoang miệng còn xuất hiện nhiều phát ban và mẩn đỏ. Virus lan rộng khiến đau xương hàm, đau amidan và tấn công vào các vị trí khác xung quanh vùng miệng làm cho người nhiễm bệnh rất khó chịu.
3. Điều trị sùi mào gà ở miệng thế nào?
Bệnh sùi mào gà ở miệng cần phải thực hiện xét nghiệm chẩn đoán từ sớm và chữa trị, nhất là những trường hợp có triệu chứng kéo dài và nặng dần. Nếu không bệnh sẽ gây nên nhiều biến chứng nặng làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân
Tùy theo các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, các bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra phương pháp chữa trị cho phù hợp nhằm loại bỏ virus đồng thời làm giảm các ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe. Người nhiễm bệnh có thể sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc kháng virus đường uống hay dạng kem bôi ở vị trí bị nhiễm bệnh. Khi nốt sùi to, lan rộng, bác sĩ có thể sẽ chỉ định kết hợp thêm những phương pháp truyền thống như: đốt sùi, đốt laser,… Những đau đớn, khó chịu sẽ được cải thiện và bệnh nhân có thể ăn uống trở lại dễ dàng hơn.