Một người quyết định phẫu thuật chuyển giới sẽ đối diện với rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể mất đi 15 năm tuổi thọ. Cũng có nhiều người sau khi chuyển giới lại muốn quay trở lại giới tính ban đầu…
Các chuyên gia đánh giá việc tư vấn tâm lý trước, trong và sau khi chuyển giới là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, có nhiều đề xuất để người chưa xác định giới tính thật có thêm thông tin trước khi quyết định chuyển giới.
Trong tọa đàm chia sẻ một số vấn đề y khoa của ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính tổ chức vào chiều 10-10 tại Hà Nội, GS Nguyễn Anh Trí – trưởng ban soạn thảo – nhấn mạnh việc phẫu thuật chuyển giới sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí người chuyển giới có thể hao tổn 15 năm tuổi thọ.
“Bởi vậy, việc tư vấn tâm lý rất quan trọng để giúp người muốn chuyển giới hiểu rõ hơn các vấn đề, đồng thời lựa chọn phương pháp chuyển giới phù hợp nhất”, ông Trí nói.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hà Thành cho hay trong quá trình tư vấn cho người có muộn phiền giới cho thấy rất nhiều người mong muốn được tư vấn, chia sẻ, trao đổi với bác sĩ có chuyên môn. Đặc biệt là ở giai đoạn muộn phiền giới/rối loạn bản dạng giới, khi các bạn bị mắc kẹt trong cơ thể không phù hợp với giới tính mà mình nghĩ tới.
“Có nhiều trường hợp các bạn cũng cho rằng sẽ có thể đánh đổi tất cả, kể cả sức khỏe, để được sống một ngày đúng với giới tính thật bên trong của mình. Đặc biệt, ở lứa tuổi nổi loạn, cha mẹ càng cấm và xã hội càng ngăn cản thì các bạn càng muốn thử, muốn tiếp cận.
Tôi cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp mong muốn chuyển giới, nhưng khi được nghe tư vấn từ các chuyên gia hoặc qua giai đoạn muộn phiền giới, các bạn suy nghĩ lại và không còn ý định chuyển giới nữa.
Cũng có những trường hợp dùng hormone chuyển giới thử, thế nhưng khi nhận thấy cơ thể dần chuyển từ nam sang nữ hay từ nữ sang nam lại cảm thấy không hạnh phúc nữa và muốn quay trở lại giới tính ban đầu. Vì vậy, việc chúng ta tư vấn tâm lý cho các bạn thật kỹ càng, cho các bạn hiểu rõ và có thêm thời gian khám phá bản thân là vô cùng cần thiết”, ThS Hà Thành chia sẻ.
Theo bác sĩ Sơn, theo một số nghiên cứu cho thấy những người trong cộng đồng LGBT có khoảng 40% dừng lại ở mức giả trang – tức trang điểm, ăn mặc, đi đứng như bản dạng giới tính mình mong muốn.
Với sử dụng hormone chuyển giới thì có khoảng 40% nữ giới (muốn chuyển giới thành nam) không dùng hormone. Trong khi đó, nam giới thì có tới 90% sử dụng hormone để chuyển sang nữ.
“Nữ giới có thể giả trang, tập luyện để có kiểu hình giống nam giới hoặc có thể cắt tuyến vú và dùng hormone. Tỉ lệ nữ chuyển sang nam khoảng 50% cần can thiệp. Nam giới thì quyết liệt hơn, 90% nam giới muốn cắt bỏ bộ phận sinh dục”, bác sĩ Sơn nói.
Bác sĩ Phạm Quang Đạt, khoa nội tiết sinh sản Bệnh viện Nội tiết trung ương, chia sẻ việc sử dụng hormone gần như đã giải tỏa được phiền muộn giới. Tuy nhiên khi sử dụng hormone đối với nam giới có thể gây ảnh hưởng đến tim, gây gia tăng nguy cơ ung thư tuyến vú, vì vậy cần tư vấn sức khỏe trước khi sử dụng.
Đối với nữ giới nếu sử dụng trong thời gian dài cũng cần phải cắt bỏ tử cung, tránh nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.
“Để người muốn chuyển đổi giới tính có thêm thời gian “sống thử” với giới tính mình mong muốn có thể sử dụng liệu pháp hormone từ 1 đến 2 năm. Trong thời gian này, họ nhận thấy được những thay đổi về cơ thể, nữ tính hơn hoặc nam tính hơn theo những gì họ mong muốn. Nếu họ nhận thấy không phù hợp với mong muốn ban đầu thì có thể dừng sử dụng hormone và quay trở lại giới tính ban đầu.
Ngược lại, nếu họ muốn tiếp tục chuyển đổi giới tính có thể sử dụng kéo dài hoặc phẫu thuật. Như vậy, sẽ giúp người muốn chuyển giới tính hiểu được điều mình mong muốn thật sự”, bác sĩ Đạt phân tích.
Cùng quan điểm với bác sĩ Đạt, TS Đỗ Thị Loan, Bệnh viện Nhi trung ương, cũng cho rằng việc sử dụng hormone trước sẽ khiến việc phẫu thuật sau này đơn giản hơn.
“Ngay khi trẻ có nhận thức về giới tính và mong muốn được can thiệp, nếu đủ điều kiện có thể sử dụng hormone ngay khi bước vào độ tuổi dậy thì. Việc này làm chậm lại quá trình dậy thì của trẻ để bản thân trẻ và gia đình xác định lại giới tính thật của trẻ. Đây là can thiệp đảo ngược, nếu không muốn chuyển đổi giới tính nữa có thể ngừng và tiếp tục sống với giới tính ban đầu. Như vậy sẽ tránh được những rủi ro cho sức khỏe đối với cộng đồng này”, TS Loan nói.
Không đơn giản chỉ là phẫu thuật
GS Trần Thiết Sơn – nguyên trưởng bộ môn phẫu thuật tạo hình Trường đại học Y Hà Nội – cũng cho rằng việc chuyển đổi giới tính không đơn giản chỉ là phẫu thuật. Chuyển đổi giới tính là tập hợp những phương pháp tâm lý, nội tiết và phẫu thuật.
“Đã có người sau khi chuyển đổi giới tìm đến tôi và nói không muốn sống nữa. Những can thiệp triệt căn như cắt đi bộ phận sinh dục có thể dẫn đến khủng hoảng tinh thần, họ không thể trở lại hình hài như ban đầu. Bởi vậy, chúng ta cần quan tâm đến tất cả những vấn đề liên quan đến chuyển đổi giới, cần thiết nhất ban đầu là tư vấn tâm lý, sau đó có thể can thiệp nội tiết và cuối cùng mới là phẫu thuật. Việc tư vấn tâm lý phải được thực hiện xuyên suốt trước, trong và sau khi phẫu thuật”, bác sĩ Sơn nêu.
Chuyển đổi giới tính là quyền công dân
GS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh chuyển đổi giới tính là quyền công dân, đặc biệt khi xã hội ngày càng phát triển cần tôn trọng quyền công dân đó. Dự án Luật Chuyển đổi giới tính nhằm đảm bảo quyền lợi của người có mong muốn chuyển đổi giới.
Các chuyên gia trong ban soạn thảo luật cũng cho rằng hiện nay nhiều người chuyển đổi giới tính phải ra nước ngoài thực hiện phẫu thuật, mua hormone thông qua hàng xách tay, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe.
Tại Việt Nam, nếu người chuyển đổi giới tính được tư vấn đầy đủ ngay từ khi gặp muộn phiền giới sẽ có được sự chăm sóc tâm lý và sức khỏe tốt nhất.
Họ có quyền lựa chọn phương pháp chuyển đổi giới và được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, tránh được những ảnh hưởng lâu dài.
Dự án Luật Chuyển đổi giới tính sẽ trình Quốc hội vào năm 2024
GS Nguyễn Anh Trí cho biết tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội vừa ban hành nghị quyết về “Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023”.
Theo đó, dự án Luật Chuyển đổi giới tính đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự kiến dự án luật sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025).
Nguồn:
https://tuoitre.vn/can-tu-van-tam-ly-truoc-trong-va-sau-khi-chuyen-gioi-20231012094140919.htm