Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có dấu hiệu nào ?

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối là gì?

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối là tình trạng ung thư bệnh đã di căn sang những bộ phận khác của cơ thể như khung chậu, bàng quang, trực tràng… Theo như phân loại của Liên đoàn phụ khoa và sản khoa quốc tế FIGO, ung thư cổ tử cung được chia thành 4 giai đoạn từ I đến IV. Con số càng thấp, ung thư càng ít xâm lấn. Con số càng lớn cho thấy tình trạng bệnh ung thư càng nghiêm trọng. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 4 còn được gọi là giai đoạn cuối, nó gồm 2 giai đoạn nhỏ.

Giai đoạn IVA

Trong giai đoạn IVA, tế bào ung thư từ cổ tử cung đã lan tới những bộ phận xung quanh vùng chậu như bàng quang, trực tràng.

Giai đoạn IVB

Trong giai đoạn IVB, tế bào ung thư từ cổ tử cung đã lan tới những bộ phận khác của cơ thể như gan, phổi, xương hay những hạch bạch huyết ở xa.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối di căn những bộ phận nào?

Tế bào ung thư từ cổ tử cung có thể lây lan sang những bộ phận khác, sự lây lan này được gọi là di căn. Ung thư cổ tử cung lây lan theo hai cách: phát triển lớn hơn, xâm lấn sang những cơ quan bên cạnh như âm đạo, bàng quang, trực tràng, tử cung hay di căn theo đường bạch huyết và đường máu. Những bộ phận di căn xa của ung thư cổ tử cung thông thường là phổi, gan, xương.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có thể di căn tới các bộ phận sau đây:

  • Âm đạo: Khi tế bào ung thư di căn tới vùng âm đạo, có thể xuất hiện một vài dấu hiệu như chảy máu âm đạo trong và sau khi giao hợp, chảy máu giữa những kỳ kinh hay sau khi mãn kinh. Dịch âm đạo chảy nước, có máu, có mùi hôi khó chịu.
  • Tử cung.
  • Những hạch bạch huyết lân cận trong khung chậu và mặt sau của bụng.
  • Mô và dây chằng xung quanh cổ tử cung và tử cung.
  • Bàng quang: Khoảng 20% người mắc bệnh ung thư cổ tử cung có vấn đề về bàng quang.
  • Trực tràng: Khi tế bào ung thư di căn tới trực tràng, một vài dấu hiệu xuất hiện như khó chịu ở bụng, đầy hơi, nôn ói.
  • Những hạch bạch huyết ở xa trong ngực và trên xương đòn.
  • Thành bụng: Tỷ lệ rất hiếm.
  • Phổi: Tế bào ung thư từ cổ tử cung được cho là theo đường máu, di căn sang phổi. Tỷ lệ di căn sang phổi của ung thư cổ tử cung vào khoảng 4% đến 7%.
  • Gan: Di căn sang gan do ung thư cổ tử cung là trường hợp hiếm gặp, được báo cáo chỉ từ 1,2 đến 2% 
  • Xương: Di căn xương chủ yếu là cột sống thắt lưng và xương chậu.

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Trong giai đoạn cuối, ung thư cổ tử cung đã di căn đến những bộ phận khác của cơ thể. Do đó những dấu hiệu, triệu chứng của ung thư cổ tử cung được phân loại theo vị trí có tế bào ung thư di căn đến. 8 dấu hiệu Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối thường hay gặp như sau:

1. Đau vùng chậu

Đau vùng chậu là một trong số những gợi ý cho bác sĩ về triệu chứng ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Nguyên nhân của đau vùng chậu là bởi những tế bào ung thư xâm lấn sang vùng xương chậu.

2. Khó thở

Khó thở cũng là một dấu hiệu thường gặp trong giai đoạn này. Nguyên nhân là bởi vì khối u di căn lên phổi, làm tắc nghẽn phế quản, gây suy hô hấp.

3. Đi tiểu ra máu

Ung thư cổ tử cung giai đoạn IV di căn vào bàng quang nên người bệnh sẽ đau buốt khi tiểu, tiểu ra máu, tiểu không kiểm soát, tiểu són, tiểu rắt…

4. Xuất huyết âm đạo

Xuất huyết âm đạo bất thường là một dấu hiệu phổ biến của ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Sau khi loại trừ các nguyên nhân như vận động mạnh hay trong chu kỳ kinh nguyệt, xuất huyết âm đạo bất thường không kèm đau bụng hoặc đau lưng là dấu hiệu cần phải đến thăm khám bác sĩ ngay.

5. Dịch tiết âm đạo bất thường

Nếu dịch tiết âm đạo bất thường (có màu xanh, trắng đục lẫn máu) và có mùi hôi khó chịu thì có thể đây là biểu hiện của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối.

6. Chu kỳ kinh nguyệt không đều

Nếu chu kỳ kinh nguyệt đang đều đặn bỗng dưng tới sớm hơn hoặc kéo dài hơn nhưng ko tìm ra nguyên nhân cụ thể thì cần chú ý vì đây có thể là dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Sau khi loại trừ nguyên nhân do căng thẳng hay do thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống thì ung thư cổ tử cung có thể là nguyên nhân gây nên rối loạn này.

7. Sụt cân, mệt mỏi

Trong giai đoạn cuối, khối u phát triển to dần khiến bệnh nhân thường xuyên mất ngủ, sụt cân, thiếu năng lượng làm cho cơ thể mệt mỏi.

8. Táo bón, buồn nôn và nôn

Tế bào ung thư cổ tử cung di căn sang trực tràng, dạ dày khiến bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa.

Có thể điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 4 không?

Thông thường việc chữa trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối rất khó khăn thế nhưng vẫn có một số ít người mắc bệnh được chữa trị khỏi. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của người mắc bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn IVA là khoảng 16%; của người mắc bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn IVB là khoảng 15%. Thế nhưng đây là các số liệu mang tính tham khảo.

Thời gian sống của người mắc bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cụ thể của mỗi bệnh nhân, mức độ đáp ứng điều trị, tâm lý người bệnh. Tinh thần lạc quan sẽ giúp kéo dài thời gian sống còn của người mắc bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối.

CHƯƠNG TRÌNH
BÀI VIẾT KIẾN THỨC

Dự phòng trước phơi nhiễm HIV miễn phí tại GALANT