1. Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung
Khi những tế bào biểu mô tuyến hay những tế bào biểu mô vảy ở niêm mạc cổ tử cung có sự gia tăng bất thường sẽ dẫn đến tình trạng những khối u xuất hiện tại đây. Qua thời gian chúng sẽ phát triển và lan rộng mất kiểm soát, thậm chí còn xâm lấn sang những tổ chức lân cận hoặc có thể di căn sang các cơ quan xa (thường gặp nhất là gan, phổi, âm đạo, bàng quang và trực tràng).
Trong giai đoạn đầu, những dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung khá mờ nhạt do bệnh phát triển trong âm thầm, triệu chứng không rõ ràng. Khi bệnh nhân cảm nhận được có các bất thường thì cũng là lúc ung thư đã bắt đầu di căn. Trong thời điểm này vẫn có thể can thiệp được bằng các phương pháp chữa trị khác nhau nhưng tỷ lệ thành công không cao, tiêu tốn khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của bệnh nhân.
Trường hợp xấu nhất là phụ nữ bắt buộc phải cắt bỏ đi tử cung hoàn toàn, bao gồm cả những hạch bạch huyết bị ảnh hưởng và buồng trứng lân cận, tước đi thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Bởi vì tính chất nguy hiểm của bệnh nên chị em phụ nữ cần phải nắm rõ những dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung như sau:
- Vùng chậu thường bị đau rát, hay thường xuyên bị đau trong và sau khi giao hợp;
- Tiết dịch âm đạo nhiều hơn, có mùi hôi khó chịu và màu xám đục;
- Âm đạo chảy máu bất thường, sau khi quan hệ tình dục hay sau khi mãn kinh;
- Tiểu tiện nhiều lần, mỗi lần đi tiểu đều có cảm giác khó chịu;
- Tiểu tiện, đại tiện bị ra máu (ung thư cổ tử cung có thể đã xâm lấn vào bàng quang và trực tràng);
- Cơ thể mệt mỏi, sụt cân ko rõ nguyên nhân.
2. Những đối tượng nào có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung?
Những yếu tố sau khiến gia tăng khả năng bị ung thư cổ tử cung ở nữ:
- Quan hệ tình dục quá sớm: độ tuổi quan hệ tình dục càng trẻ thì rủi ro bị bệnh càng lớn;
- Có nhiều bạn tình: quan hệ tình dục với nhiều bạn tình cùng lúc hay trong cùng một thời điểm sẽ dẫn đến sự gia tăng nguy cơ bị lây nhiễm virus HPV (một loại virus gây u nhú ở người);
- Mắc phải những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục chẳng hạn như giang mai, chlamydia, HIV/AIDS,… cũng khiến dễ bị nhiễm HPV;
- Mang thai ở độ tuổi còn quá trẻ hay mang thai nhiều lần: do cơ thể các bạn nữ dưới tuổi 17, nhất là cơ quan sinh dục vẫn chưa phát triển hoàn toàn nên nếu mang thai trong giai đoạn này sẽ dẫn đến những tổn thương cơ quan sinh sản. Hơn nữa các chị em phụ nữ mang thai từ 4 lần trở lên cũng có tỷ lệ bị ung thư cổ tử cung cao hơn so với người bình thường;
- Hệ miễn dịch yếu: hệ miễn dịch là hàng rào bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của những tác nhân gây bệnh, trong đó có những tế bào ung thư. Một khi hệ miễn dịch đã bị suy yếu sẽ tạo cơ hội cho các tác nhân này phát triển, trong đó có virus HPV;
- Nghiện thuốc lá: chất nicotine chứa trong khói thuốc sẽ khiến suy giảm hệ miễn dịch, mất cân bằng hệ gen sinh ung thư.
3. Chẩn đoán và điều trị ung thư cổ tử cung
Sau khi thăm khám lâm sàng và khai thác bệnh sử, nếu nghi ngờ có khả năng đang bị ung thư cổ tử cung thì bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định thực hiện những chẩn đoán cận lâm sàng cần thiết khác như:
2.1. Soi cổ tử cung
Nếu xét nghiệm sàng lọc cổ tử cung có dấu hiệu bất thường thì sẽ áp dụng soi cổ tử cung. Bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ mỏ vịt để mở âm đạo, tiếp theo là dùng một loại kính hiển vi nhỏ có lắp đèn chiếu sáng để quan sát cổ tử cung một cách rõ ràng hơn.
Nếu như người bệnh xuất hiện triệu chứng chảy máu bất thường thì sẽ cần thực hiện xét nghiệm chlamydia trước khi tiến hành biện pháp soi cổ tử cung.
2.2. Xét nghiệm tế bào học vùng cổ tử cung
Một mẫu mô nhỏ sẽ được lấy ra từ niêm mạc tử cung và đem đi kiểm tra với mục đích tìm kiếm dấu vết ung thư. Người bệnh có thể bị chảy máu âm đạo khi trải qua quá trình này và cảm giác đau như khi đến kỳ kinh nguyệt.
2.3. Chẩn đoán hình ảnh
Nếu như kết quả sinh thiết hay soi cổ tử cung có dấu hiệu bất thường với nguy cơ ung thư cao thì người bệnh cần tiến hành thêm những kiểm tra khác như:
- Kiểm tra vùng chậu: trước khi tiến hành cần phải gây mê, tìm kiếm dấu vết ung thư tại những cơ quan như âm đạo, tử cung, trực tràng và bàng quang;
- Chụp X-quang phổi: thăm dò xem liệu tế bào ung thư đã lan sang phổi hay chưa;
- Chụp CT và MRI: được áp dụng với những trường hợp muốn xác định vị trí, mức độ xâm lấn cũng như khả năng di căn của khối u;
- Chụp PET-CT: thường đc kết hợp cùng chụp CT để kiểm tra xem bệnh đang ở giai đoạn nào và nên chữa trị bằng phương pháp gì là tối ưu nhất.
Để chữa trị ung thư cổ tử cung thì cần phải áp dụng nhiều phác đồ khác nhau dựa trên giai đoạn tiến triển của bệnh. Đó có thể là chỉ cần phẫu thuật, xạ trị hay phối kết hợp nhiều biện pháp cùng với nhau như phẫu thuật – xạ trị – hóa trị.