Search
Close this search box.

Xạ trị áp sát cổ tử cung là gì? Những điều cần lưu ý khi xạ trị

Phương pháp xạ trị áp sát là một trong những cách điều trị ung thư cổ tử cung mà sử dụng một liều lượng năng lượng bức xạ cao để tiếp xúc trực tiếp với khối u. Phương pháp này được sử dụng khá phổ biến ngày nay. Hãy cùng tìm hiểu ngay phương pháp này nhé!

Xạ trị áp sát là gì?

Xạ trị áp sát là dùng liều lượng bức xạ cao để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u, giống như phương pháp xạ trị thông thường. Bức xạ phá vỡ các phân tử và tạo ra các phản ứng làm hỏng tế bào sống. Tế bào có thể bị phá hủy ngay lập tức hoặc bị hỏng một số thành phần quan trọng, ảnh hưởng đến khả năng phân chia của chúng sau này. Thay vì từ nguồn từ xa, xạ trị áp sát sử dụng nguồn phóng xạ được đặt gần với tế bào ung thư hoặc khối u, cho hiệu quả cao hơn.

Nhờ vào sự phát triển của kỹ thuật, xạ trị áp sát ngày nay có thể đặt nguồn bức xạ càng gần càng tốt với khối u, và thậm chí chèn trực tiếp vào khối u. Phương pháp này đạt nhiều thành tựu trong điều trị ung thư cổ tử cung, tử cung, âm đạo, trực tràng, mắt và một số bệnh ung thư đầu cổ. Ngoài ra, xạ trị áp sát cũng được sử dụng để điều trị ung thư vú, não, da, hậu môn, thực quản, phổi, bàng quang và tuyến tiền liệt, cải thiện tỷ lệ sống còn cho người bệnh.

Xạ trị áp sát được áp dụng trong trường hợp nào?

Trong những trường hợp ung thư phát hiện sớm, kích thước nhỏ và chưa xâm lấn vào các cơ quan lân cận hay di căn, xạ trị áp sát là phương pháp được ưu tiên để điều trị. Các loại ung thư bao gồm ống mật, não, vú, cổ tử cung, nội mạc tử cung, thực quản, mắt, đầu và cổ, phổi, tuyến tụy, tuyến tiền liệt, trực tràng, da, mô mềm và âm đạo. 

Ngoài ra, xạ trị áp sát có thể kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp sau phẫu thuật hoặc bức xạ chùm bên ngoài để tăng hiệu quả trong việc tiêu diệt tế bào ung thư.

Xạ trị áp sát điều trị ung thư cổ tử cung như thế nào?

Xạ trị ung thư cổ tử cung thường được thực hiện trong hai giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu tiên là xạ trị ngoài, trong đó bức xạ được áp dụng từ bên ngoài cơ thể và đưa đến khung chậu toàn diện để bao gồm các khu vực hạch bạch huyết trong vùng chậu. Sau đó, giai đoạn thứ hai là xạ trị trong, trong đó bức xạ được áp dụng từ bên trong cơ thể, được gọi là xạ trị trong.

Phương pháp điều trị xạ trị ngoài thường được sử dụng trong giai đoạn đầu tiên của điều trị ung thư cổ tử cung. Đây là một phương pháp tương tự như chụp X quang, nhưng với liều phóng xạ cao hơn. Việc thực hiện xạ trị ngoài kéo dài chỉ vài phút và yêu cầu bệnh nhân giữ vị trí trong một thời gian ngắn. Mặc dù xạ trị không gây đau, tuy nhiên nó thường được kết hợp với hoá trị (hoá xạ trị đồng thời) để tăng tính hiệu quả. 

Thuốc hoá trị được tiêm truyền theo lịch suốt đợt điều trị xạ trị, và lịch truyền thuốc được điều chỉnh tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng. Xạ trị ngoài có thể được sử dụng riêng lẻ để điều trị các khu vực ung thư di căn hoặc khi bệnh nhân không thể tiến hành hoá xạ trị đồng thời. Thời gian thực hiện xạ trị ngoài thường kéo dài từ sáu đến bảy tuần.

Xạ trị trong là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách đặt một nguồn phóng xạ vào bên trong hoặc gần vị trí của khối u ác tính trong một thời gian ngắn. Đối với ung thư cổ tử cung, phương pháp này được gọi là xạ trị trong khoang, trong đó nguồn phóng xạ được đặt vào một thiết bị được đưa vào âm đạo hoặc đôi khi vào cổ tử cung. Xạ trị trong thường được sử dụng kết hợp với xạ trị ngoài như một phần của phương pháp điều trị chính cho ung thư cổ tử cung.

Ưu nhược điểm của xạ trị áp sát

Kỹ thuật xạ trị áp sát khối u từ bên trong cơ thể đã được phát triển để giảm nguy cơ tái phát và rút ngắn thời gian điều trị bức xạ. Nguồn bức xạ được giải phóng từ bên trong cơ thể cũng giúp giới hạn liều bức xạ cần dùng đến các mô bình thường xung quanh. Do đó, so với xạ trị bên ngoài, xạ trị áp sát khối u từ bên trong có nhiều lợi ích như:

  • Thời gian điều trị ngắn hơn: Xạ trị áp sát có thể bắt đầu từ lúc phẫu thuật, do đó thời gian điều trị được rút ngắn.
  • Khu vực chiếu xạ khu trú: Nguồn bức xạ chỉ được giải phóng cho khu vực xung quanh khối u, giúp cải thiện hiệu quả tiêu diệt tế bào ác tính với liều phóng xạ thấp hơn. Ngoài ra, ít bức xạ hơn được chiếu vào cơ thể, giúp giảm nguy cơ tác dụng phụ xạ trị.
  • Giảm nguy cơ tái phát: Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ tái phát rất thấp sau khi xạ trị áp sát khối u từ bên trong cơ thể.

Mặc dù xạ trị áp sát khối u có nhiều lợi ích nhưng vẫn có một số ẩn số liên quan đến kỹ thuật này, gây ra những hạn chế mà bác sĩ ung bướu cần cân nhắc kỹ lưỡng và tư vấn rõ ràng cho người bệnh và gia đình trước khi thực hiện. Các hạn chế bao gồm:

  • Khó theo dõi dài hạn: Việc theo dõi các nguồn chứa bức xạ bên trong cơ thể là khó khăn, dẫn đến các lợi ích và tác dụng phụ của kỹ thuật này không được hiểu rõ.
  • Hạn chế chỉ định: Xạ trị áp sát chỉ được áp dụng đối với những loại ung thư có đường vào dễ tiếp cận và hiệu quả cao nhất đối với các bệnh nhân phát hiện khối u ở kích thước nhỏ và khu trú.
  • Hạn chế kỹ thuật: Kỹ thuật xạ trị áp sát vẫn đang trong quá trình phát triển, do đó đội ngũ kỹ thuật viên cần được đào tạo thêm và trau dồi kinh nghiệm để thực hiện thành thạo.
CHƯƠNG TRÌNH
BÀI VIẾT KIẾN THỨC

Dự phòng trước phơi nhiễm HIV hiệu quả 99%