Sùi mào gà là bệnh lý lây lan qua đường tình dục phổ biến hiện nay. Bệnh sùi mào gà đều có ở cả nam và nữ. Ở nam giới thường dễ nhận biết bệnh sùi mào gà và kịp thời chữa trị, trong khi đó bệnh sùi mào gà ở nữ lại khó phát hiện bệnh hơn. Sau đây là những thông tin về bệnh sùi mào gà và những dấu hiệu để nhận biết sùi mào gà ở nữ.
Sùi mào gà ở nữ là bệnh gì?
Sùi mào gà còn có tên gọi khác là mụn cóc tình dục. Là một trong những bệnh lý lây lan qua đường tình dục phổ biến nhất do virus HPV gây ra. Bệnh sùi mào gà gây ra các sang thương đặc trưng như các tuyến nhú, u sùi xuất hiện ở nơi ẩm ướt, thường xảy ra sự cọ sát như cơ quan sinh dục, hậu môn, thậm chí ở các vùng như miệng, môi, họng,..
Bệnh thường xảy ra ở người trẻ từ 20 – 25 tuổi, trong giai đoạn bắt đầu quan hệ tình dục và bắt đầu trong giai đoạn sinh sản.
Hiện nay, có khoảng 100 tuýp HPV được định danh trong đó có 40 tuýp gây bệnh ở cơ quan sinh dục. Trong 40 tuýp này thì lại có 15 tuýp gây nguy cơ cao. Trong 15 tuýp đó thì có hai tuýp nguy hiểm nhất cần chú ý đến đó là tuýp 16 và tuýp 18 gây nguy cơ ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo. Vậy nên chị em cần chú ý nắm rõ các sang thương thường xảy ra để đi thăm khám kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà ở nữ
Sùi mào gà là bệnh lý lây lan qua đường tình dục, vậy nên nguyên nhân thường gặp nhất đó là quan hệ tình dục không an toàn.
Quan hệ tình dục không an toàn bao gồm: quan hệ đường miệng, quan hệ đường hậu môn hoặc tiếp xúc tình dục, là chưa quan hệ nhưng có sự cọ xát giữa các bộ phận sinh dục. Hoặc có thể tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh. Virus sẽ đi qua những bộ phận này để vào cơ thể.
Mẹ truyền sang con
Phụ nữ mang thai mắc bệnh sùi mào gà sẽ truyền virus sùi mào gà qua cho con bằng đường nhau thai, dịch nước ối lúc trở dạ, hoặc trong quá trình sinh nở thai nhi tiếp xúc với tử cung, âm đạo của người mẹ.
Vệ sinh vùng kín kém, ẩm ướt liên tục, tạo môi trường thuận lợi cho virus sinh sôi phát triển gây bệnh.
Nguyên nhân ít gặp: vô tình tiếp xúc gián tiếp với các sang thương, dịch tiết của người bệnh như là vật dụng cá nhân của người bệnh: khăn tắm, bàn chải cá nhân. Giặt chung đồ lót với đồ dùng cá nhân của người bệnh, tắm chung bồn tắm, sử dụng chung bồn cầu,…
Lây trực tiếp qua vết thương hở.
Nhận biết sùi mào gà ở nữ
Bệnh sùi mào gà là bệnh lây lan qua đường tình dục, vậy nên dấu hiệu nhận biết đầu tiên đó là có nguy cơ gây bệnh. Nguy cơ đầu tiên là có quan hệ tình dục không an toàn, không được bảo vệ.
Bệnh sùi mào gà ở giai đoạn sớm rất khó phát hiện, theo y văn ghi nhận có tới 90% trường hợp những người bệnh nhiễm HPV không có triệu chứng, 10% còn lại biểu hiện thành các sang thương dạng sùi ở các bộ phận sinh dục, họng, miệng, hậu môn. Nên phát hiện sớm rất khó nếu không chủ động tầm soát. Do đó bệnh sùi mào gà chỉ phát hiện khi sang thương sùi đã xuất hiện ở các cơ quan gây bệnh.
Sang thương sùi ban đầu là những nốt nhỏ li ti màu hồng, màu nâu, mềm, có cuống. Sau đó các sang thương sùi này lan rộng thành những mảng lớn, gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu cho chị em, tiết dịch, đau khi quan hệ, tiểu đau.
Các nốt nhỏ li ti này phát triển rất nhanh, tụ lại với nhau thành những mảng lớn giống như mào gà hoặc súp lơ xanh.
Một dấu hiệu nhận biết nữa là phát bệnh sùi mào gà kèm theo bệnh lý lây qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, viêm âm đạo.
Khi cảm thấy có nguy cơ nên chủ động đi tầm soát để phát hiện bệnh sớm. Giúp cho quá trình điều trị bệnh nhanh hơn, không tái phát và không ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục.
Các biến chứng do bệnh sùi mào gà gây ra
Chị em thường sẽ có tâm lý mặc cảm, ngại, không dám đi khám hoặc chia sẻ với người khác. Làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và công việc.
Trong giai đoạn bệnh phát triển, các vết sùi lớn sẽ che hết âm đạo, cơ quan sinh dục. Gây bội nhiễm, nhiễm trùng, lở loét, ngứa ngáy, khó chịu cho chị em.
Khi nhiễm HPV tuýp 16, 18 có thể có nguy cơ gây ung thư âm đạo, ung thư cổ tử cung.
Bệnh tái phát nhiều lần sẽ làm cho vùng chậu, vùng âm đạo bị viêm nhiễm, gây vô sinh, nếu mang thai thì lây cho con.
Phương pháp điều trị bệnh sùi mào gà ở nữ
Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để chữa khỏi bệnh sùi mào gà, nên không tiêu diệt hoàn toàn virus HPV.
Mục đích điều trị hiện nay: Giảm triệu chứng, loại bỏ các sang thương sùi, hạn chế tái phát. Làm cho nồng độ virus thấp nhất có thể ở trong cơ thể để hạn chế tái phát.
Tùy thuộc vào vị trí sùi và tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị bệnh khác nhau.
Tình trạng mới nhiễm bệnh, nhẹ: mới xuất hiện các nốt sùi nhỏ li ti, dùng các phương pháp như chấm dung dịch acid, đốt laser, đốt lạnh nitơ.
Tình trạng bệnh nặng: xuất hiện các mảng sùi lớn, phải sử dụng các phương pháp cắt bỏ, nạo để có thể điều trị bệnh nhanh chóng.
Bác sĩ thăm khám mới là người quyết định cụ thể phương pháp chữa trị.
Trong quá trình điều trị cần phải kiêng quan hệ, điều trị cùng lúc cho bạn tình, cho bạn tình đi tầm soát xem có nhiễm virus không.
Cách phòng tránh bệnh sùi mào gà ở nữ
Quan hệ tình dục an toàn: sử dụng bao cao su, màng chắn miệng khi quan hệ tình dục. Bao cao su chỉ giảm yếu tố lây nhiễm, có thể vẫn nhiễm virus sùi mào gà từ các vùng không được che chắn, bảo vệ bởi bao cao su.
Chỉ quan hệ 1 vợ 1 chồng. Hạn chế số lượng bạn tình hết mức tối đa để tránh lây nhiễm.
Thiết lập cuộc sống lành mạnh, thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe.
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, tránh ẩm ướt.
Không hút thuốc lá.
Tránh sử dụng chung các dụng cụ tình dục (sex toy).
Kết
Bệnh sùi mào gà là bệnh lây qua đường tình dục khá phổ biến. Tuy nhiên bệnh sùi mào gà ở nữ lại không dễ nhận biết được bệnh trong giai đoạn đầu, đến khi bệnh trở nặng, phát triển nhanh thành các mảng sùi lớn thì chị em mới phát hiện. Do đó chị em cần phải chủ động đi tầm soát để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Xem thêm: NHỮNG ĐIỂM GIỐNG VÀ KHÁC NHAU GIỮA BỆNH GIANG MAI, BỆNH SÙI MÀO GÀ
Xem thêm: NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ VIRUS HPV Ở MIÊNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ HIỆN NAY